Trong năm 2021 số người được đưa vào các khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại một số tỉnh ngày ngày càng tăng. Nhiều điểm cách ly có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn người. Tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại 151 khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến khoảng 70 tấn/ngày. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải y tế đang được dư luận chú ý khi nhiều điểm xử lý đang trong tình trạng quá tải.
28-9-2021Thực trạng và khó khăn về quản lý môi trường trong các khu cách ly tập trung
Việc cách ly y tế nhằm để kiểm soát sự lây nhiễm bệnh trong cộng đồng đã được qui định bởi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật số 03/2007/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, điều số 49 và 55 cũng đã được làm rõ chi tiết trong Chương I của Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Đối tượng được đưa vào các khu cách ly kiểm dịch này gồm những người có khả năng bị mắc bệnh, nghi ngờ bị mắc bệnh. Thời điểm hiện nay, theo qui định của Bộ Y Tế là tất cả những người nhập cảnh. Ngoài ra có một số người phải cách ly do có yếu tố tiếp xúc, có nguy cơ mắc bệnh. Những trường hợp này được chỉ định cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có thể cách ly tại cửa khẩu, tại nhà hoặc tại các khu cách ly tập trung.
Trong đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 Việt Nam đã áp dụng cách ly tập trung đối với hàng trăm nghìn đối tượng nhập cảnh và tiếp xúc gần với người bệnh (F1). Những khu cách ly y tế tập trung là cách ly kiểm dịch, đối tượng trong khu cách ly là những người chưa bị bệnh. Họ chỉ có nguy cơ bị bệnh và họ được đưa vào khu cách ly để được giám sát sức khỏe. Từ đó phát hiện sớm nếu họ bị bệnh. Nếu mắc bênh họ sẽ được đưa sang cách ly điều trị để kiểm soát nguồn lây. Mặt khác việc xây dựng các khu cách ly y tế tập trung luôn luôn có những qui định chung về vị trí để bảo vệ nghiêm ngặt người không có phận sự không được vào, người cách ly không được ra ngoài. Theo quy định tại Điều 55 trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ngoài các cơ sở y tế, khi cần thiết do số lượng đối tượng phải cách ly quá đông thì có thể trưng dụng các cơ sở công cộng khác để cách ly. Một số cơ sở đó bao gồm:
- Doanh trại quân đội, công an;
- Khu ký túc xá của trường học;
- Khu nhà ở của nhà máy, xí nghiệp;
- Khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng;
- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng...
- Trường học;
- Cơ sở y tế tuyến xã;
- Các khu vực khác có thể sử dụng làm cơ sở cách ly.
Chính vì phải trưng dụng các cơ sở này nên có những khó khăn trong quản lý như:
- Cơ sở vật chất không được thiết kế phục vụ cho chăm sóc người cách ly;
- Khó khăn trong việc phân luồng và bố trí các khu vực chăm sóc đúng tiêu chuẩn an toàn;
- Các bộ phận hỗ trợ và cung ứng như bếp ăn, hậu cần nhiều nơi không tách biệt khỏi khu vực người cách ly;
- Khu vực vệ sinh, lưu chứa chất thải, nước thải còn nhiều bất cập;
- Người đến cách ly gồm nhiều thành phần xã hội và luôn quá tải;
- Nhân lực thiếu, phương tiện phòng hộ thiếu;
- Đã xuất hiện lây nhiễm trong khu cách ly tập trung, nhân viên và người được cách ly.
Một địa điểm tập kết rác tại khu cách ly Quận 8 - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Huy Cường
Công việc quản lý chất thải tại các khu cách ly dành cho người nghi nhiễm Covid-19 đang là mối quan tâm lớn của chính quyền và người dân các địa phương trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh diễn ra phức tạp. Trong năm 2021, số người được cách lý tập trung không ngừng tăng lên. Từ tháng 5 đến tháng 9/2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có tới hàng triệu người được đưa vào diện cách ly. Có những điểm cách ly có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người. Nếu trung bình mỗi người mỗi ngày thải ra 0,5 - 0,7 kg rác thì tổng số rác thải ra tại các khu cách ly đã lên tới hàng chục tấn mỗi ngày.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại 151 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến vào khoảng 70 tấn/ngày. Tại Hà Nội, chỉ riêng Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13, mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng từ hai đến ba tấn rác thải. Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, trong thời gian phong tỏa cách ly hơn 1.000 người, lượng rác y tế thải ra trong một ngày là 637 kg. Lượng rác thải thu gom tại các điểm cách ly, khu cách ly tập trung, các cơ sở y tế ở tỉnh Thừa Thiên - Huế từ đầu năm 2021 đến nay là hơn 80,2 tấn.
Để giải quyết một lượng chất thải y tế lớn như vậy yêu cầu rất nhiều vật tư, trang thiết bị và nhân lực, nhưng trên thực tế các đơn vị quản lý khu cách ly và các đơn vị xử lý chất thải đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu các phương tiện, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Nhiều lò đốt chất thải y tế phải hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu huỷ rác thải y tế.
Quy định về quản lý chất thải trong các khu cách ly tập trung
Việc quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã có Quyết định số 2455/QĐ-BCĐQG, Covid-19”, Bộ Y tế có Quyết định 5188/QĐ-BYT, ngày 14/12/2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các sở y tế hoặc chính quyền địa phương cũng ban hành các hướng dẫn xử lý chất thải trong các khu cách ly y tế tập trung. Nội dung chính của các văn bản hướng dẫn này là nhằm bảo đảm không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực, phòng cách ly, bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của người bệnh, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực, phòng cách ly, bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của người bệnh, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Phân, nước tiểu của người cách ly phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế để xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử khuẩn khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý như chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV2..
Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của những người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Các chất thải khác thực hiện thu gom và xử lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau đó phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm. Thùng thu gom chất thải lây nhiễm phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có lắp bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.