Dù TP HCM đã thực hiện rất nhiều biện pháp mạnh như giãn cách xã hội, phong toả để chống dịch nhưng số ca mắc vẫn liên tục tăng. Theo đánh giá của chuyên gia dịch tễ, TP HCM cần có phương án sớm sống chung với dịch bệnh
3-7-2021Lựa chọn chung sống với COVID-19
Theo thông tin từ HCDC, tính hết ngày 30/6, có 4.157 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 1/7); trong đó: 3.906 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 251 trường hợp nhập cảnh.
Chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo phục hưng đã được kiểm soát.
Các chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện như: xưởng cơ khí ở Hóc Môn, chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, chuỗi vựa ve chai quận 1, chuỗi công ty Kim Minh Quận 5, chuỗi chợ đầu mối Hóc Môn – chợ Sơn Kỳ… đang tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, giám sát chặt. Tiếp tục điều tra, khoanh vùng, xác minh các trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại, các ca bệnh những ngày gần đây đã lên tới con số hàng trăm ca/ngày. Dịch bệnh đang có xu hướng lây lan khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, việc tập trung đông người tiêm vắc xin tại thành phố trước đó đã được cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh.
TP HCM cần tính tới phương án chung sống với dịch bệnh, ảnh minh hoạ.
"Với tình hình như vậy, TP HCM không nên duy trì giãn cách kéo dài. Cần tính tới phương án giúp cho người dân sống chung với dịch bệnh. Nếu kéo dài như vậy thành phố sẽ đuối sức và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân, kinh tế, xã hội…
Hiện nay, hơn 80% các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng, sẽ làm cho bệnh dịch lây lan nhanh. Nhưng đây cũng là một tín hiệu tốt, các triệu chứng đang nhẹ dần.
Theo quá trình phát triển của virus khi lây lan nhanh thì triệu chứng sẽ nhẹ (để virus lây lan nhanh). Xu hướng khi virus SARS-CoV-2 khi lây tới số lượng dân số nhất định và số người được tiêm vắc xin nhất định thì nó sẽ trở thành cúm mùa"- PGS Huy Nga chia sẻ.
Sống chung với dịch cần tính tới bảo vệ đối tượng người già và người có bệnh lý nền
PGS Huy Nga phân tích, để TP HCM có thể sống chung với dịch bệnh vì cần phải xây dựng phương án bảo vệ nhóm đối tượng có nguy cơ cao (người già, người có bệnh lý nền).
Theo đó, đó nhóm đối tượng này cần phải được ưu tiên được tiêm vắc xin trước. Nếu nhóm người này được tiêm phòng khi mắc cũng sẽ nhẹ, giảm tỷ lệ mắc bệnh bị nặng và tử vong. Người có triệu chứng nặng thì cần tới bệnh viện để được ngành y tế hỗ trợ.
Các nước như Mỹ, Châu Âu tỷ lệ tử vong do mắc COVIC-19 giảm mạnh là do chính phủ đã có chủ trương tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Thực tế vắc xin phòng COVID-19 hiện nay vẫn có thể tiêm cho người trên 65 tuổi, chỉ khuyến cáo không tiêm cho người dưới 18 tuổi do chưa có nghiên cứu.
"Biện pháp trước mắt đối với người dân của TP HCM hiện nay nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K. Nếu mỗi cá nhân có ý thức thực hiện 5K là cách đơn giản và an toàn nhất để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh", PGS Huy Nga nói.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) khuyến cáo người dân: Chủ động khai báo y tế khi nhận biết bản thân có nguy cơ; Tuân thủ các quy định trong khu vực phong toả, khu cách ly; Luôn nhớ thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K.
TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc Đại học Sydney đã đưa ra 7 đề xuất đối với TP HCM:
1. Giảm mật độ người, giữ khoảng cách giữa người với người (be right, not left).
2. Hỗ trợ trực tiếp tiền hoặc nhu yếu phẩm cho người nghèo, cận nghèo, mất việc, phá sản.
3. Mở rộng nhanh xét nghiệm bằng cách cho tự xét nghiệm tại nhà (tối thiểu là hàng tuần) miễn phí toàn dân, dùng kit có độ nhậy cao; song song với chiến lược xét nghiệm hiện nay.
4. Tiêm vaccine cuốn chiếu, phủ từng vùng, ưu tiên người cao tuổi và nơi có mật độ cao, ưu tiên tạo vành đai an toàn phía bắc, tây bắc TP.
5. Áp dụng các biện pháp tăng thông khí. Ưu tiên các hoạt động tại nơi thông thoáng, ngoài trời hoặc có máy lọc màng Hepa, đèn UV treo trần, và tạm dừng các hoạt động trong phòng kín có nhiều người.
6. Triển khai cách ly F1 tại nhà có sự giám sát của cộng đồng.
7. Ban chỉ đạo tổ chức họp báo công bố thông tin hàng ngày hoặc mỗi 2 ngày.