Vào thời điểm này tất cả các vị trí, tất cả các địa phương đều là trọng điểm chống dịch. Dịch có thể bùng phát từ những nơi, những vị trí mà chúng ta không ngờ tới
1-5-2021Vào thời điểm này tất cả các vị trí, tất cả các địa phương đều là trọng điểm chống dịch. Dịch có thể bùng phát từ những nơi, những vị trí mà chúng ta không ngờ tới.
Biến chủng B.1.167 đang lây lan tại Ấn Độ chứa “đột biến kép” L452R và E484Q có khả năng lây lan nhanh chóng và gây quan ngại cho nhiều người. Trong thời gian gần đây tốc độ lây lan dịch Covid-19 ở Ấn Độ gia tăng chóng mặt với trên 3000 người chết mỗi ngày. Ngày 29/4/2021 nước này ghi nhận gần 390.000 ca bệnh và 3.501 ca tử vong. Con số này thực tế còn cao hơn nhiều. Tình hình hết sức nguy hiểm.
Tính đến nay, Việt Nam đã phát hiện 5 người nhiễm biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ bao gồm 4 chuyên gia Ấn Độ và một nhân viên khách sạn ở Yên Bái.
Sự nguy hiểm của biến chủng B.1.617 tại Ấn Độ
Biến thể B.1.617 ở Ấn Độ được nhiều người và các phương tiện truyền thông gọi là “đột biến kép” do nó chứa do nó chứa 2 đột biến chính là L452R từng xuất hiện trong biến thể ở California (Mỹ) và E484Q - giống với loại xuất hiện ở Nam Phi và Brazil. Các chuyên gia về dịch tễ học cho rằng gọi như thế không có ý nghĩa khoa học vì đột biến kép xuất hiện ở khắp nơi. Bên cạnh 2 đột biến L452R và E484Q, biến thể B.1.617 có khoảng 11 đột biến khác. Đây không phải là một biến thể mới vì nó được phát hiện ở Ấn Độ từ tháng 10 năm 2020 và cũng đã xuất hiện ở Anh và ở Mỹ cuối tháng 2 năm nay.
Biến chủng B.1.167 đang lây lan tại Ấn Độ chứa “đột biến kép” L452R và E484Q
Tốc độ lây lan biến chủng virus B.1.617 ở Ấn Độ nhanh hơn nhiều so với biến thể cũ từ Anh nhưng nguyên nhân gây lên “cơn sóng thần” Covid-19 tại Ấn Độ thì lại có nhiều nên không thể chỉ đổ lỗi cho biến thể B.1.617. Chủng virus biến thể này cũng chưa có dấu hiệu gia tăng về độc lực. Nguyên nhân số người tử vong cao tại Ấn Độ là do có quá nhiều người nhiễm bệnh và hệ thống y tế gần như bị sụp đổ, bệnh viện bị quá tải, thiếu ô xy, thuốc men. Tỷ lệ tử vong ở nước này theo tôi ước đoán khoảng 1-1,2% so với hồi đầu đại dịch là 3-5%.
Tuy nhiên, nhiều người cũng nghi ngờ rằng “đột biến kép” này có lợi cho virus, cho phép nó liên kết mạnh hơn gấp nhiều lần với các thụ thể ACE2 là một protein trên bề mặt tế bào giúp virus corona xâm nhập vào tế bào hiệu quả hơn và giúp cho chúng thoát khỏi các kháng thể trung hòa.
Nguyên nhân chính của “cơn sóng thần” lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đến từ sự chủ quan
Bên cạnh yếu tố biến chủng virus mới, nguyên nhân dịch lây lan nhanh ở Ấn Độ còn có yếu tố miễn dịch cộng đồng. Vào thời điểm bùng phát dịch chỉ có 2% dân số nước này được tiêm chủng. Tuy nhiên, có yếu tố chủ quan cho rằng họ đã được miễn dịch cộng đồng nên tụ tập đông người tại các lễ hội, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, không khai báo y tế, không tổ chức kiểm tra giám sát, buông lỏng các biện pháp chống dịch. Thêm vào đó, khi trong công đồng càng nhiều người nhiễm bệnh thì các đột biến càng xuất hiện nhiều hơn, mang lại các cơ hội sống sót của virus nhiều hơn và virus càng tái tạo thì lại càng tăng khả năng đột biến.
Virus càng tái tạo thì lại càng tăng khả năng đột biến
“Cơn sóng thần” lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ do nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó lễ hội bên bờ sông Hằng là một ví dụ điển hình.
Nguy cơ xuất hiện hàng ngàn ca bệnh như đang xảy ra ở Ấn Độ sau dịp nghỉ lễ
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, rất nhiều khu du lịch trở thành “biển người”, chỉ cần một trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện và cách ly trà trộn vào đám đông thì dịch sẽ bùng phát và phát tán ra khắp nơi theo dòng người du lịch. Khi đó sẽ rất khó khăn trong công tác kiểm soát dịch.
Thông thường, dịch đến lần sau sẽ mạnh hơn lần trước. Hiện tại, chúng ta đã ghi nhận các lây nhiễm ngoài cộng đồng với tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ 2 ngày F1 đã trở thành F0. Vì thế, nếu người dân lơ là trong công tác chống dịch, không thực hiện đúng các nguyên tắc 5K, các cơ quan hữu trách không thực thi yêu cầu chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế thì có thể xuất hiện hàng trăm đến hàng ngàn ca bệnh như đang xảy ra ở Ấn Độ, Thái lan, Philippines và Campuchia hiện nay.
Vào thời điểm này tất cả các vị trí, tất cả các địa phương đều là trọng điểm chống dịch. Dịch có thể bùng phát từ những nơi, những vị trí mà chúng ta không ngờ tới.