PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 là việc làm hết sức nguy hiểm, đáng lên án.
11-7-2021Thời gian gần đây báo chí phản ánh rất nhiều những trường hợp làm giả giấy xét nghiệm COVID-19. Mới đây nhất là vụ việc ở Tiền Giang, dù không đi test, lấy mẫu nhưng công nhân của một công ty tại Khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang) vẫn được phát một tờ giấy 'xét nghiệm âm tính với COVID-19' và dùng giấy này đi khắp nơi.
Không chỉ tại Tiền Giang, mà tại Cà Mau, Quảng Ninh cũng xuất hiện phiếu xét nghiệm COVID-19 giả.
Nói về việc này, ngày 10/7, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, việc làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 là việc làm hết sức nguy hiểm, đáng lên án cả nơi làm giả giấy xét nghiệm này và người sử dụng giấy xét nghiệm giả này để đi nhiều nơi.
"Việc làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn và gây nhiều hậu quả xấu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu như một người có kết quả dương tính với COVID-19 hay trong người đang nhiễm vi rút nhưng lại được xác định là âm tính khiến người ta không chú ý giữ gìn, phòng chống bệnh để rồi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người khiến dịch bệnh bùng phát nhiều nơi.
Đây là mối lo nhất cho xã hội, bên cạnh đó, về mặt pháp lý người làm giả giấy xét nghiệm và người biết giấy xét nghiệm đó là giả vẫn sử dụng là có hành vi gian dối.
Cái giả dối này gây hậu quả nghiệm trọng vì có thể làm dịch bùng phát, bởi vậy những trường hợp này cần bị xử lý nghiêm như căn cứ theo mức độ có thể phạt tiền, còn nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
ADVERTISEMENT
Video Player is loading.
Loaded: 32.01%
Play
Theo ông Nga, trong xã hội có người này người kia, nhiều người lợi dụng dịch bệnh để tìm cách kiếm tiền, người biết việc làm đó là sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình làm, có cầu sẽ có cung mà có cung thì sẽ có gian dối.
Nếu những người làm trong cơ quan nhà nước mà biết sai vẫn cố tình làm là vô ý thức. Bao nhiêu công lao phòng chống dịch của nhà nước, của nhân dân mà bị một vài trường hợp làm ảnh hưởng thì cần phải trừng trị thích đáng.
"Nếu chỉ căn cứ vào một tờ giấy có dấu đỏ để xác nhận người này âm tính với COVID-19 là không thể chính xác và không thể kiểm soát được hết. Một điểm có nhiều người qua lại, người trực chốt nếu không phải người có chuyên môn trong việc này cũng rất khó xác định được người đó có dấu hiệu, triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 hay không.
Điều này sẽ gây hậu quả về mặt kinh tế xã hội. Qua đây, cơ quan chuyên môn cũng nên nghiên cứu lại xem có nên làm giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19 đó rộng rãi hay không?", ông Nga nói.
Cũng theo ông Nga, việc dùng công nghệ thông tin để quét mã số là rất cần thiết. Cụ thể như cơ quan làm xét nghiệm phải cấp cho người xét nghiệm mã số. Các chốt chặn cũng được trang bị máy quét mã thì sẽ không còn tình trạng làm giả giấy xét nghiệm COVID-19.
"Phải làm chặt chẽ ở tất cả các khâu thì mới không tạo kẽ hở cho người ta lợi dụng tình trạng dịch bệnh để làm giả giấy xét nghiệm COVID-19. Phải có máy quét mã mới đảm bảo khớp thông tin chứ chỉ căn cứ trên một tờ giấy thì đến mắt thần cũng không kiểm soát, phân biệt được hết là đúng hay sai", vị nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Trở lại với vụ việc, trước đó, chị M.M. (tên đã thay đổi - 24 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Tiền Giang), công nhân Công ty TNHH F. I., cho biết ngày 7/7 chị cùng các đồng nghiệp làm việc tại một xưởng trong công ty được tổ trưởng đến phát một tờ phiếu kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19.
Tờ phiếu xét nghiệm của một công nhân của công ty F. I. cho kết quả âm tính dù công nhân này không được lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: TTO |
"Trên phiếu kết quả xét nghiệm ghi bệnh phẩm thu nhập là "dịch tỵ hầu" dù trước đó không có nhân viên y tế nào đến lấy mẫu, tôi cũng không đến bất cứ cơ sở y tế nào để test", chị M. khẳng định.
Ngày lấy mẫu và ngày trả kết quả âm tính đều là ngày 7/7 do Công ty cổ phần bệnh viện M.H. (Long An) thực hiện.
Còn tại tỉnh Cà Mau, mấy ngày nay người dân cũng xôn xao trước thông tin bảng xét nghiệm COVID-19 của 1 người kết quả dương tính nhưng trong đó có nội dung phong tỏa toàn tỉnh Cà Mau.
ADVERTISEMENT
Theo đó, nội dung phiếu kết quả xét nghiệm lan truyền trên mạng xã hội ghi người xét nghiệm là Hồ Minh Giác (31 tuổi, ngụ P.8, TP.Cà Mau, Cà Mau), kết quả dương tính với COVID-9.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, anh Hồ Minh Giác xác nhận việc mình có đi xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ vào ngày 8/7 nhưng có kết quả âm tính.
"Còn phiếu xét nghiệm lan truyền trên mạng xã hội mang tên tôi, có kết quả dương tính và nội dung phong tỏa gì đó, thật sự tôi không biết. Công an cũng đã liên hệ với tôi để làm rõ", anh Giác thông tin.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền tỉnh Cà Mau cho biết: "Qua xác minh, đối chiếu thông tin, chứng cứ có liên quan của cơ quan chức năng khẳng định đây là phiếu giả mạo, bị kẻ xấu can thiệp, chỉnh sửa kết quả xét nghiệm, bổ sung thêm nội dung bịa đặt, sai sự thật".
Chưa hết, ngày 1/7, Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tùng Lâm (33 tuổi, trú tại số 29/44 Quang Trung, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) để điều tra, làm rõ hành vi làm giả giấy tờ cơ quan, tổ chức.
ADVERTISEMENT
Cụ thể, khoảng 21h30 ngày 26/6, Công an thị xã Quảng Yên nhận được thông báo của chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại trạm BOT cầu Bạch Đằng phát hiện 1 xe ôtô cứu thương chở 5 người đi qua chốt nhưng không khai báo y tế theo quy định.
Nhóm này tường trình được Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) xét nghiệm COVID-19 và cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính để sử dụng đi qua các chốt kiểm dịch.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Tùng Lâm khai nhận đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho những người có nhu cầu, sau đó tự làm giả chữ ký (bắn chữ ký) của lãnh đạo để cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với giá 200.000 - 700.000 đồng/người. Bước đầu đối tượng đã cấp giấy cho gần 40 trường hợp, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng.