Sáng 4/11, tại hội trường Cung Trí Thức Thành Phố Hà Nội, Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường phối hợp cùng Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khỏe (CHERAD), đã tổ chức Hội thảo: "Nhiệt điện than với vấn đề Sức khỏe Môi trường".
5-11-2021Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin, luận cứ khoa học về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nhiệt điện than (bã than thải) khí đốt tại các nhà máy nhiệt điện và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng, đống góp ý kiến, kiến nghị về các chính sách, giải pháp bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh ô nhiễm môi trường khí lượng than tại các nhà máy thải ra khá nhiều mà chưa được xử lý và biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE). ông Bùi Ngọc Minh - Trưởng ban Tuyên truyền giáo dục (Hội VACHE); ông Bùi Hồng Cường - Viện trưởng Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường.
Đồng thời, có các ông: PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khỏe (CHERAD), ThS. Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm CHERAD ; cùng các vị đại biểu và đại diện quý cơ quan đơn vị doanh nghiệp tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm CHERAD cho biết, trong những năm gần đây, xuất hiện một số yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường mới nổi đặc trưng tại một số quốc gia đang phát triển công nghiệp.
“Trong đó, ô nhiễm không khí do công nghiệp, nhiệt điện và giao thông phát triển quá nhanh (các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy xi măng với trên 100 triệu tấn năm)… được xem là một trong các yếu tố nguy cơ sức khỏe môi trường đáng lo ngại”. - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Theo đó, tác động của ô nhiễm môi trường làm biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh học, các dịch bệnh mới nổi. Ước tính vào năm 2015, trên toàn thế giới, ô nhiễm môi trường gây ra: 9 triệu ca tử vong sớm = 16% số tử vong toàn thế giới; 92% các ca tử vong xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình; Tổng chi phí do ô nhiễm môi trường là 4,6 nghìn tỷ USD, tương đương 6,2% GDP toàn cầu.
Theo thống kê Viện Đo Lường và Đánh Giá Sức Khỏe tại Mỹ: trong năm 2017, ô nhiễm môi trường đã làm 71,300 người Việt Nam bị tử vong.
Tại hội thảo, ThS. Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm CHERAD phát biểu, ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm (NCDs).
Ông Nguyễn Trọng An cho biết, trong các chất nguy hại gây ô nhiễm không khí, đáng sợ nhất và nguy hiểm nhất là bụi siêu nhỏ PM 2.5 (Bụi mịn – Particulate Matter – bụi này có kích thước rất nhỏ < 2,5 micron) và Bụi thô PM 10.
Theo ước tính, năm 2020, tại Việt Nam tổng công suất các điện than chiếm khoảng 18.000MW tương đương với 15 nhà máy 1.200 MW, Trung bình mỗi ngày một nhà máy 1.200MW sau khi đã lọc qua bộ lọc tĩnh điện với hiệu suất 99,75% sẽ xả ra không khí khoảng 8 tấn bụi, trong đó, có 2,4 tấn bụi PM 2.5.
Theo đó, trong bụi còn chứa thủy ngân và các loại Kim loại nặng. Lượng thủy ngân theo khói và bụi nhà máy điện khoảng 0,5 miligram/kg than. Như vậy, mỗi giờ 1 nhà máy 1.200MW xài 520 kg than có nghĩa là mỗi ngày xài khoảng 12.500 tấn than, lượng thủy ngân xả khoảng 6kg/ngày.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than tại Đông Nam Á: Nếu Quy hoạch điện VII điều chỉnh được thực thi, số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca (năm 2011) đến 15.700 (năm 2030).
Phó Giám đốc Trung tâm CHERAD Nguyễn Trọng An cũng cho biết, nghiên cứu thực trạng sức khỏe môi trường tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của người dân do các bệnh không lây nhiễm tại 2 xã Vĩnh Tân (báo cáo 3 năm 2018 – 2020 của Trạm Y tế) và xã Phước Thể trong vòng 10 năm 2010 – 2020 (thống kê theo sổ A6) là rất cao.
Tỷ lệ tử vong tại xã Phước Thể trong 10 năm trở lại đây (từ năm 2010 – đến năm 2020), có thể thấy tỉ lệ tử vong do ung thu, tai biến, đột quỵ chiếm tỷ lệ rất cao và càng tăng trong những năm gần đây.
Dựa trên kết quả nghiên cứu và thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Giám đốc Trung tâm CHEARAD đã đưa ra một số kiến nghị để triển khai hoạt động của Hội trong thời gian tới:
- Thứ nhất, phối hợp Bộ y tế và Bộ tài nguyên môi trường để xây dựng dự án, chương tình về sức khỏe môi, đặc biệt là phòng chống ô nhiễm không khí và giảm thiểu ảnh hướng biến đổi khí hậu.
- Thứ 2, mở các lớp đào tạo cho thành viên của hội sức khỏe môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng.
- Thứ 3, xây dựng các chương trình truyền thông về sức khỏe môi trường và biển đổi khí hậu.
- Thứ 4, tham gia tích cực các hội thảo trong nước và quốc về sức khỏe môi trường và biến đổi khí hậu.
- Thứ 5, tham gia phản biện các chính sách về sức khỏe môi trường và biến đổi khí hậu.
Cũng trong hội thảo lần này, nhiều chuyên gia môi trường, giảng viên đại học đã đưa ra các ý kiến đóng góp, nhằm cảnh báo tác động, ảnh hưởng của vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, đối với sức khỏe người dân… Nguyên nhân do khi phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện than, mà không tính toán tới các hệ lụy khôn lường từ những dự án này có thể gây ra.
Đại Lộc - Vân Đức